Ngân hàng tuyển dụng như chuyển nhượng cầu thủ
"Xáo trộn ở các vị trí cấp cao thường diễn ra mạnh mẽ và nhộn nhịp vào thời điểm Đại hội cổ đông. Sự dịch chuyển nhân sự NH mùa này chẳng khác nào mùa chuyển nhượng cầu thủ".
Trong chán, ngoài thèm
Những câu chuyện từ chủ đề nhân sự ngành ngân hàng (NH) bao giờ cũng hấp dẫn. Trái ngược với lương thưởng cao và “ngồi mát ăn bát vàng” như nhiều người vẫn tưởng, ngày nay nhân viên NH ở vị trí nào cũng chịu đầy áp lực. Trưởng bộ phận thẻ văn phòng Hà Nội của một NHTMCP có trụ sở chính ở phía Nam cho biết, bản thân chị ngày làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối với áp lực chỉ tiêu từ trên ép xuống. NH của chị liên tục tuyển dụng nhân viên trong lĩnh vực phát triển thẻ. Không phải NH thiếu người mà với chỉ tiêu đặt ra khá nặng nên nhiều nhân viên không qua được vòng thử việc.
Theo tiết lộ của vị Trưởng bộ phận kinh doanh thẻ của một NH lớn thì chỉ tiêu cho mỗi nhân viên trong một tháng là phải phát hành 80 thẻ tín dụng, hơn 100 thẻ ghi nợ và ký hợp đồng đặt thiết bị thanh toán thẻ (POS) ở ít nhất là tại 4 đại lý. Trong bối cảnh thị trường thẻ đã bão hòa thì NH giao chỉ tiêu kinh doanh như vậy có phần quá sức nhân viên. Chính vì chỉ tiêu khó nhằn như vậy nên NH luôn trong tình trạng “trong chán, ngoài thèm”: nhân viên này ra đi thì lại có ngay ứng cử viên khác xin vào.
Một nhân viên của GP Bank cho biết, anh cảm thấy quá áp lực khi vào làm trong lĩnh vực NH. Trước đó, anh đang làm ở công ty cổ phần cũng không quá nhiều áp lực như hiện nay. Vì quyết định chuyển việc theo tâm lý đám đông và “dụ dỗ” của cô bạn sang NH, bây giờ mới thấy thấm mệt. Áp lực nhiều, thời gian quản lý chặt, thu nhập đi xuống.
Với những cán bộ, nhân viên làm ở bộ phận thẩm định, duyệt cho vay, áp lực hiện nay còn lớn hơn rất nhiều. Một mặt họ phải đẩy mạnh tín dụng, mặt khác phải đảm bảo chất lượng tín dụng. Liên tục có những vụ việc liên quan tới NH được đưa ra Tòa hình sự khiến nhiều nhân viên “né”, hoặc tìm cách nhảy khỏi những vị trí nhạy cảm này.
Mới đây, phóng viên được nghe những câu chuyện khá thú vị xung quanh chủ đề nhân sự NH. Điển hình như chuyện tại tổ chức công đoàn của một NHTM Nhà nước đang bị khuyết chức danh Trưởng ban nữ công. Thông tin này mới phát tán chưa lâu mà đã có tới vài chục hồ sơ xin ứng cử, trong đó nhiều Trưởng, Phó phòng ban ở các chi nhánh tỉnh cũng xin về. Trong đó nhiều ứng viên là giới “mày râu”. “Đúng là áp lực kinh doanh đã tạo nên những câu chuyện bi hài như vậy. Hoạt động công đoàn ít bị áp lực, lương thì cũng tạm ổn. Thậm chí có thể thấp hơn một chút nhưng quan trọng là nơi trú ẩn an toàn” – một nhân viên của NH này chia sẻ.
NH tuyển dụng như… chuyển nhượng cầu thủ
Theo một chuyên gia NH, việc hệ thống NH đang tiếp tục được tái cơ cấu đã khiến nhân sự của ngành xáo trộn. Không chỉ thay đổi ở các nhân viên, cán bộ cấp phòng, mà rất nhiều NH đã thay đổi ở vị trí lãnh đạo cấp cao. Có thể mới tháng này một vị là Tổng giám đốc của NH A nhưng tháng sau đã là lãnh đạo của NH B. Nếu nhìn ngược lại, cũng có thể thấy rằng, chính việc thay đổi lãnh đạo cấp cao đã dẫn tới làn sóng “quân” đi theo “tướng”. Lo ngại xáo trộn của nhân sự có thể ảnh hưởng tới công việc, nên đã có những NH phải ký cam kết lãnh đạo cấp cao không được mời gọi nhân viên cũ đi. Thậm chí giữa các NH ký cam kết “tướng” của NH A chuyển sang NH B thì 2 NH này tuyệt đối không được tuyển “quân” của nhau.
Song có vẻ như thời gian gần đây đã có những thay đổi. Theo bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính NH Ernst and Young Viet Nam, kết quả khảo sát mới đây của tổ chức này cho thấy, đa số các NH đều cho rằng, nguồn nhân lực đang ngày càng ổn định hơn và năm 2014 bản thân các NH đã làm tốt hơn việc giữ chân nhân viên có năng lực. Còn theo nhận định của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), thị trường lao động ngành NH những tháng cuối năm nay khá ổn định và diễn biến tích cực. Cụ thể, 36,6% NH dự kiến tăng lao động quý III, trong khi chỉ có 2,2% dự kiến cắt giảm. Nếu tính chung cả năm 2014, 59% các NH cho biết sẽ tuyển thêm người sau một vài năm liên tục thay nhân sự như vừa qua.
TS. Cấn Văn Lực – Phó tổng giám đốc, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho biết, khi tiến trình tái cơ cấu hệ thống NH còn đang diễn ra thì nguồn nhân lực của ngành sẽ vẫn còn nhiều xáo trộn. “Tuy nhiên, những xáo trộn ở các vị trí cấp cao thường diễn ra mạnh mẽ và nhộn nhịp vào thời điểm Đại hội đồng cổ đông. Sự dịch chuyển nhân sự NH vào mùa này nhộn nhịp chẳng khác nào mùa chuyển nhượng cầu thủ trước một mùa giải mới” – TS. Cần Văn Lực ví von. Hiện nay, đúng là có những NH phải cắt giảm nhân viên, nhưng ngược lại nhiều NH vẫn tiếp tục tuyển dụng.
“Vừa sa thải vừa tuyển dụng cũng hết sức bình thường. Điều này cũng giống một dòng sông đang chảy. Và nếu dòng sông ngừng chảy thì mới đáng lo ngại. Nên xem việc các NH tuyển nhân viên mới là đương nhiên” – một chuyên gia NH cho biết. Còn theo TS. Lực, sau thời điểm các sinh viên ra trường, nhiều NH cũng tranh thủ tuyển các tân cử nhân. Bởi trong khó khăn chung thì hiện vẫn có một số NH đang có sự tăng trưởng khá hoặc họ cơ cấu lại hoạt động nên có thay đổi nhiều về nhu cầu nhân sự. Ví dụ, tín dụng tăng trưởng 10% thì tổng tài sản tăng lên 12-13% và đương nhiên nhân sự phải tăng 2 - 3% mới đáp ứng được yêu cầu.
Theo Quang Cảnh/ Thời báo ngân hàng
Đừng nghĩ ứng viên gật đầu là quá trình tuyển dụng chấm dứt!
Thời điểm ứng viên "gật đầu" với lời mời về công ty làm việc của bạn là lúc bạn đang gặp phải nguy cơ mất họ lớn nhất.
Dưới đây là bài chia sẻ của doanh nhân Mark Suster về một sai lầm tai hại mà nhiều nhà tuyển dụng mắc phải.
Tuyển dụng luôn là mối đe doạ lớn đối với sự tồn tại của các công ty mới khởi nghiệp. Lý do là bởi quá trình này không chỉ tốn nhiều thời gian mà doanh nghiệp còn phải cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm và thu hút được nhân tài. Thêm nữa, quá trình này dường như không làm tăng hiệu quả phát triển về sản phẩm, kỹ thật, bán hàng, tiếp thị, huy động vốn của công ty. Nó tiêu tốn thời gian, năng lượng và cả tiền bạc.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một đội ngũ nhân viên tuyệt vời sẽ xây dựng nên một công ty tuyệt vời. Và một nhà lãnh đạo công ty khởi nghiệp vĩ đại luôn biết rằng dù tốn kém, mất thời gian tới đâu họ cũng vẫn phải đầu tư cho quá trình tuyển dụng.
Tuy vậy, hầu hết các công ty tuyển dụng mà tôi biết đều mắc phải một sai lầm nghiêm trọng: Họ cho rằng quá trình tuyển dụng sẽ kết thúc khi ứng viên chấp nhận lời đề nghị về làm việc tại công ty. Sự thật là quá trình này chưa thể dừng lại cho đến khi ứng viên đó chính thức bắt đầu với công ty, cập nhập hồ sơ của anh ấy (cô ấy) trên LinkedIn và thông báo tới tất cả bạn bè của họ.
Thực tế có nhiều trường hợp tệ hơn nữa. Thời điểm nhân viên sales hoặc marketing tương lai của bạn “gật đầu” là thời khắc bạn dễ dàng để mất họ nhất. Tôi đã từng đề cập cụ thể tới vấn đề này trước đây với bài viết nhan đề “Thời điểm dễ bị mất mát nhất là khi bạn chiến thắng một thoả thuận” và điều này đúng với cả quá trình tuyển dụng.
Tuyển dụng là một trận chiến và kẻ thù (các đối thủ cũng săn lùng nhân tài) không dễ dàng chấp nhận thất bại. Chính vì thế, đừng chỉ dành 90% sức lực cho trận chiến này. Bạn nhất định phải chiến thắng.
Dưới đây là những gì cụ thể sẽ xảy ra:
Nhân viên sẽ đưa ra lời cam kết bằng miệng với bạn, một email chấp nhận hoặc trong một vài trường hợp họ ký vào thư mời làm việc. Sau đó, bạn ăn mừng cùng với nhóm của mình bởi sau tất cả những cố gắng, nỗ lực thuyết phục thì cuối cùng một "ngôi sao" mà bạn vẫn mong đợi đã chấp nhận và gia nhập nhóm để giải quyết vấn đề bạn đang cần.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ đến việc, nếu họ giỏi như vậy chắc chắn sếp cũ của người này sẽ tìm cách để giữ chân họ lại. Trong trường hợp nhân viên đó chủ động nghỉ việc và báo cho sếp cũ thì cũng là thời điểm công ty đó đang tìm cách giữ chân nhân viên.
Bên cạnh đó, nếu ai đó biết rằng nhân viên xuất sắc này chuẩn bị rời khỏi chỗ làm cũ và tìm kiếm một công ty phù hợp hơn và khi người này từ chối lời mời công việc từ những công ty khác, họ cũng sẽ bắt đầu tìm cách thuyết phục nhân viên đó về phía họ.
Thật ngạc nhiên phải không, giây phút "thăng hoa", ăn mừng chiến thắng của bạn lại chính là khoảnh khắc bạn trở nên yếu nhất!
Vậy bạn cần làm gì?
1. Hãy nhớ rằng quy trình tuyển dụng không dừng lại cho đến khi nhân viên mới chính thức gia nhập công ty của bạn.
2. Thời khắc họ đồng ý làm việc với bạn, bạn cần liên lạc với những nhân sự chủ chốt, thông báo cho họ biết hoặc sắp xếp một bữa tiệc để chào đón họ tới công ty. Mục đích của việc này là tạo một mối quan hệ thân thiết ban đầu giữa nhân viên mới và công ty.
3. Bạn cần phải tự nhủ: Tôi muốn tạo một sự gắn kết hơn nữa với nhân viên mới bằng cách công bố thông tin rộng rãi nếu có thể. Tôi muốn đảm bảo rằng nhân viên đó đồng ý để tôi làm vậy. Một mặt, việc này thể hiện lòng tự hào khi công ty có được nhân viên và mặt khác giảm thiểu việc họ sẽ rời khỏi công ty.
4. Bạn cũng có thể đưa cho nhân viên mới một số tài liệu để họ mang về nhà xem xét. Người đó sẽ cảm thấy một mối quan hệ bền chặt hơn với công ty, thậm chí hứng khởi hơn với nhiệm vụ mới và một mối quan hệ thân tình mạnh mẽ để họ không nghĩ lại lựa chọn của mình.
5. Cuối cùng, nếu có thể bạn cần sự liên đới giữa những nhà đầu tư vào công ty nếu vị trí nhân viên mới tuyển vào thuộc hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Hãy bố trí những cuộc gọi của các phó chủ tịch để chào mừng họ đến với công ty. Càng nhiều người nhân viên mới có thể nói chuyện cùng sẽ càng tăng mối thân tình của họ với công ty.
Kết luận:
Tuyển dụng là một công việc "khó nhằn". Bạn không chỉ phải đặt hết tâm trí vào quá trình này mà còn phải để mắt tới những nhân viên xuất sắc trong chặng đường cuối cùng của tuyển dụng, nó thật sự tốn rất nhiều công sức. Ngoài ra, bạn cần phải bố trí một buổi tiệc chào mừng để giữ chân những nhân viên mới đồng thời lên kế hoạch truyền thông ra bên ngoài để chắc chắn họ sẽ tham gia vào công ty.
Kể cả khi ứng viên đã "gật đầu", bạn cũng không nên dừng lại.
Theo Infonet
0 nhận xét :
Đăng nhận xét